Hồ sơ năng lực được sử dụng trong những vấn đề quan trọng ở công ty như tham gia thẩm định, đấu thầu,… nên sẽ ảnh hưởng nhất định tới thành công của công ty trong những dự án lớn. Vậy hồ sơ năng lực là gì? Bộ hồ sơ năng lực công ty gồm những gì? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau!
1. Hồ sơ năng lực (Profile công ty) là gì?
Hồ sơ năng lực (hay thường được biết đến với tên gọi profile công ty) là tài liệu thường được sử dụng trong những thương vụ hợp tác giữa doanh nghiệp của bạn với đối tác và khách hàng.
Bộ hồ sơ năng lực giúp truyền tải thông tin từ bao quát đến cụ thể về doanh nghiệp của bạn. Cụ thể như thông tin về thương hiệu (logo, slogan, sản phẩm doanh nghiệp), tầm nhìn, giá trị cốt lõi, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động. Và tất nhiên, không thể thiếu là tiềm năng phát triển khi hợp tác giữa đối tác và doanh nghiệp của bạn.
2. Vai trò của bộ hồ sơ năng lực đối với công ty
Hồ sơ năng lực có một số công dụng sau:
– Gây ấn tượng với khách hàng: Hồ sơ năng lực được xem như là hình ảnh khái quát thu nhỏ của bất kỳ doanh nghiệp nào. Thông qua bộ hồ sơ này, đối tác và khách hàng có thể dễ dàng đánh giá được sự chuyên nghiệp và tiềm năng phát triển của công ty.
Một profile đầy ấn tượng, có điểm nhấn của riêng bạn sẽ tạo được thiện cảm trong mắt đối tác rất nhiều; từ đó tăng thêm phần hứng thú cũng như sự tin tưởng của đối phương khi hợp tác với bạn.
– Tham gia thầu một dự án: Khi tham gia bất kỳ một thương vụ hợp tác dự án nào thì profile công ty là “vũ khí chiến đấu” của mỗi doanh nghiệp, là “vật bất ly thân” của người đại diện đấu thầu. Nó đóng vai trò là nhân viên kinh doanh được gửi đi với nhiệm vụ giao tiếp và thuyết phục khách hàng.
– Xây dựng hình ảnh thương hiệu: Hồ sơ năng lực là tài liệu mà công ty tự giới thiệu về bản thân và được giới thiệu theo cách nghiệp nghiệp nhất. Do vậy hồ sơ năng lực giúp người đọc nhanh chóng nắm bắt được thông tin, hình thành sự quan tâm, niềm tin và thôi thúc họ tiến tới hợp tác.
– Tham gia dự án lớn hơn: Để tham gia một dự án lớn, bạn cần có một bộ hồ sơ năng lực chuyên nghiệp hơn hoặc ít nhất đáp ứng tiêu chuẩn dự án hoặc đối tác đề ra.
3. Bộ hồ sơ năng lực gồm những thành phần nào?
Những thành phần không thể thiếu của một profile bao gồm:
Thư ngỏ
Đôi lời chào hỏi thay mặt cho người chịu trách nhiệm cao nhất trong công ty (thường là giám đốc) là thứ đầu tiên mà người nhận được profile sẽ xem. Với giọng văn trang trọng, thân tình, không kém phần hãnh diện tự tin, thư ngỏ sẽ phần nào nêu lên được năng lực lĩnh vực cũng như tầm vóc của mình.
Giới thiệu công ty
Tiếp đến sẽ là những thông tin cơ bản về công ty như là:
- Tên công ty
- Giấy phép kinh doanh
- Lĩnh vực hoạt động
- Lịch sử hình thành và phát triển
- Thông tin liên hệ (email, website, địa chỉ, số điện thoại, fax).
- Phương châm hoạt động
- Tầm nhìn
- Sứ mệnh
- Giá trị cốt lõi
Năng lực công ty
- Năng lực nhân sự: Sơ đồ tổ chức, ban lãnh đạo và nhân sự chủ chốt và quy mô nhân sự.
- Năng lực sản xuất, thi công: Để thể hiện nhóm năng lực này, bạn cần đưa ra những hình ảnh minh họa cụ thể về quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị và nhà xưởng.
- Năng lực tài chính: Được coi là cơ sở để nhà đầu tư có căn cứ để đưa ra quyết định có đầu tư hay không.
Thành tích đạt được
Những thông tin về dự án, bằng khen, giấy khen mà doanh nghiệp đã đạt được sẽ thêm phần tạo sự tin tưởng nơi đối tác và khách hàng. Điều này giúp bộ hồ sơ đạt hiệu quả quảng bá thương hiệu tốt hơn cho doanh nghiệp.
4. Thiết kế profile công ty ở đâu?
Để thiết kế profile công ty đẹp trong điều kiện công ty bạn chưa có một đôi ngũ thiết kế tay nghề cao thì bạn có thể thuê các đối tác bên ngoài để thực hiện profile cho chuyên nghiệp, thông thường các công ty thiết kế hay in ấn sẽ cung cấp các dịch vụ này.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm đến một số website hỗ trợ thiết kế profile để làm hồ sơ năng lực trên các mẫu đã có sẵn. Một số website mà bạn có thể tham khảo như brochure.vn, rubicmarketing.com,…
5. Làm thế nào để thiết kế profile công ty chuyên nghiệp
Sau đây là một số bí quyết giúp bạn tạo một profile chuyên nghiệp:
Nên bắt đầu với những điều cơ bản
Phần mở đầu cuốn profile cần gần gũi và thu hút sự chú ý của người đọc. Thông thường cuốn profile sẽ bắt đầu bằng lời ngỏ, thể hiện thiện chí kêu gọi hợp tác từ doanh nghiệp.
Ngoài ra, nội dung về lịch sử hình thành và con đường phát triển công ty cũng cần được chọn lọc. Người đọc không cần biết tất cả mọi thông tin về chặng đường xây dựng và phát triển của công ty bạn nên phần này có thể linh hoạt lược bớt những chi tiết quan trọng.
Những thành tích nổi bật, bằng khen chứng chận từ các tổ chức danh giá sẽ là những điểm nhấn quan trọng, bạn nên đưa vào profile. Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn những thành tích nổi bật nếu công ty bạn có nhiều khen thưởng, vì nếu đưa vào quá nhiều sẽ gây rối mắt, mất thẩm mỹ.
Giải thích rõ lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
Profile cần mô tả cụ thể mô hình kinh doanh, những sản phẩm, dịch vụ thế mạnh mà doanh nghiệp bạn cung cấp. Bạn cần chỉ ra những lợi ích và giá trị mà khách hàng mục tiêu sẽ nhận được thông qua các sản phẩm và dịch vụ của công ty bạn. Tầm nhìn – Sứ mệnh – Giá trị cốt lõi cũng nhằm nhấn mạnh cho điều này.
Nên minh họa bằng những con số
Những con số cụ thể mang lại hình dung rõ ràng hơn từ phía khách hàng. Bạn nên chỉ ra các số liệu về công suất, sản lượng, doanh số mà công ty đạt được, cả những dự đoán trong tương lai, lợi nhuận, số lượng nhân viên và những thông tin tài chính khác có ích cho người đọc. Điều này sẽ đặc biệt quan trọng nếu mục đích của cuốn profile là kêu gọi đầu tư và tìm đối tác kinh doanh.
Nên minh họa bằng biểu đồ, hình ảnh
Hình ảnh có sức mạnh gấp trăm lần lời nói. Những đồ thị, biểu đồ và những dữ liệu khác đi kèm sẽ giúp cung cấp nhiều thông tin hơn cho khách hàng một cách trực quan nhất.
Bằng cách trình bày này, thông tin trong profile trở nên đáng tin cậy hơn với những dữ liệu chính xác được hiển thị đa chiều. Các đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư sẽ hiểu các báo cáo tài chính của doanh nghiệp tốt hơn.
Nên tổ chức thông tin một cách dễ hiểu
Bạn nên tổ chức thông tin càng dễ hiểu càng tốt. Các yếu tố cần đạt được: thông tin ngắn gọn, súc tích, trọng tâm, cụ thể và một kết cấu mạch lạc dễ hiểu.
Đây là lý do vì sao các cuốn profile doanh nghiệp thường theo một mẫu dàn trang cơ bản và chỉ bao gồm những thông tin thiết yếu, hữu ích.